Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Người bệnh tiểu đường nên ăn uống và kết hợp với vận động như thế nào cho hợp lý

Tiểu đường được chia ra làm hai loại chính, đó là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Người mắc tiểu đường type 1 thường là trẻ em và người ở độ tuổi vị thành niên từ 10 đến 16 tuổi. Người trên 40 tuổi bị béo phì thường dễ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường có thể gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng. Biến chứng cấp tính có thể gây hôn mê do đường huyết trong máu tăng cao, biến chứng mãn tính như cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Ngoài ra, còn có các biến chứng mắt như bị đục thủy tinh thể, mù mắt, các bệnh nhiễm trùng về da, đường tiểu, bàn chân.
Do đó, việc ăn uống thế nào để có thể kiểm soát được lượng đường trong máu là điều rất cần thiết và quan trọng đối với các bệnh nhân bệnh tiểu đường. Bệnh nhân nên ăn ít trong mỗi bữa, ăn đều đặn, không bỏ bữa và nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, kiêng ăn uống các loại đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, mứt, nước ngọt và hạn chế ăn các loại thức ăn giàu tinh bột như cơm, mì, hủ tiếu, phở, bún, cháo.
Không ăn các loại da, phủ tạng động vật. Bệnh nhân nên ăn cá nhiều hơn thịt, chú ý ăn các loại cá ít mỡ, không nên ăn mặn và tránh ăn những thức ăn chế biến sẵn như mì tôm, patê, lạp xưởng, giò chả, nhà có người bệnh tiểu đường không nên cất trữ các loại thực phẩm này trong nhà; ăn nhiều trái cây tươi ít ngọt như thanh long, bưởi, cam, mận, sơri. Uống đủ nước (ít nhất 2 lít/ngày), đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau cải, bầu bí, mướp đắng, bông cải và các loại đậu.

Tập những môn thể dục nhẹ nhàng rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Việc tập thể dục làm cho tim đập điều hòa, mạnh mẽ và làm mức đường trong máu dễ kiểm soát hơn. Người bệnh tiểu đường nên chọn những loại thể dục cần hoạt động chân tay nhiều và đều đặn như chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp, bơi lội... Mỗi tuần tập ít nhất 3-4 giờ, mỗi lần khoảng nửa giờ.
Tuyệt đối tránh những loại thể dục đòi hỏi sức chịu đựng cao, như tạ, hít đất vì có thể làm tăng huyết áp. Ngoài chế độ ăn uống thích hợp và luyện tập thể dục đều đặn, bệnh nhân phải được bác sĩ thường xuyên theo dõi để có những hướng dẫn phù hợp với tình trạng bệnh lý nhằm hạn chế thấp nhất các biến chứng.
Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hẳn bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa nếu như biết cách kiểm soát tốt lượng đường trong máu thông qua việc kiểm soát ăn uống chất bột đường, vận động cơ thể, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát trọng lượng cơ thể để không bị béo phì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét